Văn nghiệp Hoàng_Công_Khanh

Quá trình sáng tác

Hoàng Công Khanh bắt đầu được biết đến qua vở kịch thơ Về Hồ được diễn ở Hà Nội chào mừng quốc hội khóa một nước Việt Nam dân chủ cộng hòa và sau đó được công diễn trên nhiều vùng kháng chiến khắp cả nước. Thời gian đầu kháng chiến chống Pháp ở Liên khu 3, ông giữ nhiều chức vụ quản lý trong ngành văn hóa và vẫn viết đều tay.

Giai đoạn sau Cách mạng tháng Tám đến 1950, ông xuất bản hai tập truyện ngắn Trên bến Búng (1947) và Chuyện người tù binh Algérie (1948), hai vở kịch nói Màn cửa vàng (1950) và Nhập ngũ (1950) cùng tập thơ Hà Nội không ngủ (1950). Các sáng tác của Hoàng Công Khanh thời kỳ này chủ yếu có mục đích phục vụ cuộc kháng chiến chống Pháp.

Từ giữa năm 1950 đến 1954, ông về Hà Nội viết văn, viết báo, làm tổng biên tập tạp chí Dân ý, một tạp chí có sự lãnh đạo của thành ủy Hà Nội. Những tác phẩm được nhắc tới nhiều nhất của Hoàng Công Khanh được viết trong thời gian này. Ông đã cho xuất bản các tác phẩm Mối tình đầu (tiểu thuyết, 1951), Mẹ tôi sớm biệt một chiều thu (tiểu thuyết, 1953, tái bản 1991), Yêu chỉ một lần (tiểu thuyết, 1954), Trại Tân Bồi (tiểu thuyết, 1953), Bạn đường (tiểu thuyết, 1953), Éo le (tiểu thuyết, 1954), Bến nước Ngũ Bồ và Cung phi Điểm Bích (kịch thơ, xuất bản 1953, tái bản 1991). Các vở kịch thơ Bến nước Ngũ Bồ, Cung phi Điểm Bích được dựng lại trên sân khấu vào các năm 2007, 2008 và đều được đánh giá rất cao. Riêng Cung phi Điểm Bích còn được Giải A giải thưởng sân khấu 2007 của Hội nghệ sĩ sân khấu Việt Nam.

Sau ngày tiếp quản thủ đô, ông vẫn tiếp tục hoạt động văn hóa văn nghệ, là chủ tịch Hội đồng tiết mục Sở văn hóa Hà Nội. Thời gian này, ông viết ca kịch là chủ yếu. Từ 1955 đến 1961 ông viết hàng chục vở như Ngọn cờ Giải phóng (1955), Nữ gián điệp Triều Tiên (1957), Nhạc mùa xuân (1956), Lương Sơn Bá – Chúc Anh Đài (1956), Mẫu đơn tiên (1956), Phạm Tải Ngọc Hoa (1957),... Các sáng tác thời kỳ này của Hoàng Công Khanh dồi dào, nhưng chất lượng không được đánh giá cao như thời kỳ trước.

Ca kịch của ông có vở đã in và công diễn, có vở đã công diễn nhưng chưa xuất bản. Đến những năm gần đây, thời kỳ đổi mới ông lại tiếp tục viết: Đôi mắt màu tím (tiểu thuyết, 1994), Danh tướng Trần Hưng Đạo (tiểu thuyết lịch sử, 1995), Vua Đen (tiểu thuyết lịch sử, 1996). Thời kỳ này, Hoàng Công Khanh chủ yếu tập trung khai thác các chủ đề lịch sử. Các tác phẩm của ông dễ đọc, nhưng không có đột phá nào đặc biệt.

Tính tổng cộng trong sự nghiệp của mình, Hoàng Công Khanh đã cho xuất bản hơn 60 tác phẩm, bao gồm 14 tiểu thuyết, năm tập thơ, kịch thơ và rất nhiều vở kịch nói, ca kịch có giá trị nghệ thuật.

Phong cách